Trang tin từ LHSVN.com.vn

Trang tin từ LHSVN.com.vn
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI LHSVN.com.vn.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Một chiều lạnh bất ngờ


Sang nửa cuối tháng 3 rồi mà còn có gió mùa đông bắc. Đã thế dự báo thời tiết còn nhắc nhở đợt gió này cường độ rất mạnh, nhiệt độ sẽ tụt xuống 12 độ C và có thể kèm mưa đá.

Trưa đi dự một đám cưới, tình cờ ngồi đúng bàn với người bạn đã lâu không gặp. Chị thổ lộ: "Ngày mai mình đi Belarus. Ở bên đó nên đi thăm thú chỗ nào, dịp này có lễ hội gì không?

Belarus! Cái tên ấy mới thân thương làm sao! Và tự nhiên nó được nhắc đến trong một ngày trời trở lạnh bất ngờ.

Mới đó mà đã 26 năm trôi qua. Thế mà cứ ngỡ như ngày hôm qua. Belarus là thiên đường tuổi trẻ của tôi và của rất nhiều người khác.

Một thời gian nan, một thời đẹp đẽ.

Nếu như 26 năm trước, có người nói: "Mai mình đi Liên Xô" (Nga, Ukraina, Belarus hay Uzbekistan, Gruzia, Azerbaijan gì gì nữa thì cũng đều là Liên Xô), thì câu tiếp theo sẽ là: "Bên đó hàng gì đang bán chạy (để mua mang sang), có thể mua được hàng gì (để mua đem mang về)?". Nhưng bây giờ thì người ta đã hỏi câu khác.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiJnkW-Vmj9YJeVitWB0CSA7AMMdS0ufeOMSjuwLExl6jTZ5LDgziDbYZFLNwRquqLDMyWEsDLOCmvIPBQUnBbzv3rb3JWtvjclt8iVvfKbLPNS6TJXjJWNNpsqI0upq7tdS8GrHYNzM3ui/s1600/krasny-kostel-8.jpg


Khách sạn Đỏ

Ở cái thiên đường tuổi trẻ ấy, chúng tôi đã đi đâu? Tôi nói với người bạn: "Belarus đẹp lắm đấy. Nhưng sang mùa này thì chán chết. Tuyết tan, lép nhép, bẩn thỉu, xám xịt... Thôi cứ được đi là tốt rồi".

Rồi tôi kể ra những cái tên: Pháo đài Brest - Брестская крепость, làng Khatyn - Хатынь (những di tích của Đại chiến Thế giới II), Công viên quốc gia hồ Naroch, Biển Minskoe (thực ra là cái hồ đào rất rộng ở ngoại ô thủ đô Minsk - Минск), Bảo tàng kiến trúc dân gian, Rừng cấm Berezinski, các lâu đài Mirski và Lidski, rừng nguyên sinh Belovezhskaya Pusha - Беловежская пуща...

Còn lễ hội thì sao? Ngày 19.3 ở Belarus có lễ hội Thánh Iosif. Chỉ nghe thế, chứ chưa biết cái lễ hội này ra sao.

Bỗng nhiên thấy nhớ Belarus quay quắt.

Mùa hè 1986, trước khi lên tầu trở về Việt Nam, bạn hỏi: "Bao giờ cậu lại sang"? Nói đại: "Sau 5 năm nữa".

Thế mà rồi sau 5 năm nữa cũng sang thật. Lúc đó là tháng 8. Mùa thu vàng vẫn mê mải đẹp, nhưng đó là đã là thời tao loạn. Cuộc đảo chính bất thành vừa diễn ra ở Mátxcơva, không khí hừng hực bao trùm lên thủ đô Liên Xô. Minsk thì vẫn yên ả thế, gặp lại bạn bè cả Nga lẫn Việt, các cô giáo. Ai cũng quan tâm, trìu mến.

11 năm sau đó, mùa hè 2002 mới có cơ hội đặt chân đến Minsk lần thứ ba. Tầu nhanh đi một đêm từ Mátxcơva. Con tầu quả là một cuộc cách mạng so với tầu thời Liên Xô. Sang trọng, tiện nghi hơn cả TGV của Pháp. Sáng sớm sau khi Minsk đang ngái ngủ thì tầu đến ga. Một nhà ga mới sáng choang, bóng loáng, hiện đại với những bảng điện nhấp nháy đã mọc lên thế chỗ cho nhà ga cũ.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhPJzHKpVkn5S6UrnP8f4wyonCYJC5S0wDb5B_L1YFkyt6c4MaoFGMuTENlvAADL7wD91WFGqtzYINuQaXS_lBBx7vkkYU8j6zAgf4ZbTvg3OB_gID5YrhQvU-zI5pW6h5K78lMlhzGbCUf/s1600/gate-minsk-8.jpg


Quảng trường ga Minsk.

Bỗng thấy tiếc cái ga cũ. Bao nhiêu lần trên đường đến trường đã đi qua trước mặt, sau lưng của nó, đã thuộc nó, thế mà nay nó đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ...

Minsk của thời kinh tế thị trường vẫn sạch sẽ, ngăn nắp như dưới thời Liên Xô. Và hầu như không có một tấm biển quảng cáo nào!

Trở lại thăm ký túc xá số 3, nhà 15, phố Artilleristov. Đường xá dẫn đến khu ký túc xá đã thay đổi toàn bộ. Bà thường trực từ giữa thập niên 1980 vẫn ngồi đó, nhưng nhất định không cho vào. "Có, tôi nhận ra cậu đã từng ở đây, nhưng không vào được. Cậu là người nước ngoài, giờ là mùa hè không có ai ở đây cả, phải có lệnh của Ban giám hiệu, tôi mới cho cậu vào được" - bà lạnh lùng giải thích.

May mà có cô giáo dạy văn đi cùng. Cô hỏi: "Bà cũng nhận ra tôi là giáo viên của trường phải không? Vậy thì bà hãy cho cậu ấy vào. Tôi bảo đảm không có chuyện gì xảy ra. Người ta tận từ một đất nước xa xôi đến đây, chỉ để thăm lại căn phòng đã ở năm xưa. Còn nhớ là còn quý, đúng không bà?"

Bà thường trực lẳng lặng đồng ý cho tôi vào.

Khu nhà này trước đã từng là ký túc xá tốt nhất của trường, nhưng nay xuống cấp trầm trọng. Cầu thang ẩm mốc. Tôi lên căn phòng số 513 đã từng ở xưa kia. Cánh cửa khép hờ. Hai chiếc giường trơ đệm, hai chiếc ghế để úp trên mặt bàn viết. Giấy dán tường chỗ rách chỗ lành.

Tôi tiến đến sát cửa sổ và nhìn thấy những ngón tay xanh mướt của cây bạch dương mọc dưới sân vươn lên mơn trớn bậu cửa. Bất giác tôi thở dài...

Hai cô trò đi xuống, chụp ảnh chung bên cây bạch dương, cố gắng lấy cho được biển số nhà. Cô an ủi: "Sang tháng người ta sẽ sửa lại ký túc xá này. Lần sau em tới, nó sẽ đẹp hơn".

Cô giáo tôi tỏ ra hài lòng với sự yên bình và ổn định ở Minsk. Cuộc sống không xáo trộn như trên khắp nước Nga rộng lớn. Người Belarus dường như thích trật tự cũ hơn là một xã hội dân chủ với đầy rẫy những bất trắc.

Belarus thân thuộc với những kỷ niệm quá đẹp của một thời tuổi trẻ ngày một lùi xa hơn. Để rồi hôm nay, tại cái đám cưới xa lạ, được một người nhắc tới, ký ức ồ ạt kéo về.

Thật nhớ. Nhớ trong một chiều lạnh bất ngờ...

Tuổi trẻ của tôi, Belarussia... Молодость моя, Белоруссия...

Chẳng lẽ phải sau đúng 11 năm mới quay trở lại Minsk lần thứ tư?



Белоруссия - ban nhạc "ПЕСНЯРЫ"

Люблю тебя - ban nhạc "Верасы"





Tin liên quan:
ÁNH MẮT PHẢN KHÁNG [03.03.2011 23:35]
NGÀY MAI... [01.03.2011 00:10]
BÀI TRƯỚC GIAO THỪA [03.02.2011 01:13]
MIKHAIL GORBACHEV. CẢI TỔ [26.01.2011 16:21]
BỨC THƯ GIÁNG SINH TỪ CÔ GIÁO CŨ [06.01.2011 01:10]
TRÀ ĐẠO NHẬT BẢN [21.12.2010 00:22]
CÓ NGƯỜI CON RƠI TÌM ÔNG... [08.12.2010 22:58]
TẠI ĐÀN ÔNG HAY TẠI ĐÀN BÀ? [08.12.2010 22:54]
NGHĨ TỪ PHIM 'CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN' [25.10.2010 22:21]
CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN - PHIM PHOTOSHOP [24.10.2010 22:15]

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

MƠ MÀNG PHÚ YÊN...

Trên máy bay đi Phú Yên, cậu tiếp viên hàng không hỏi: "Chị vào Phú Yên để xem cái gì"?! Nhiều người chẳng biết Phú Yên là ở đâu và Tuy Hòa thì lại càng chịu, chẳng hiểu là địa danh nào?!

Nằm lọt giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định, một tỉnh giàu thứ nhất, một tỉnh thứ ba miền Trung, vậy mà Phú Yên chỉ vừa mới lọt vào "Câu lạc bộ GDP 1.000 tỷ" năm ngoái.

Bay sát mặt đất mới cảm nhận vì sao lại có ý tưởng Sama-Dubai của các tỷ phú giàu lửa muốn đầu tư vào mảnh đất trên là nắng, dưới là biển này.

Đi thăm Sông Hinh, qua một cây cầu ngắn, cách trung tâm Thị trấn chỉ độ dăm chục mét là một buôn Ê-đê truyền thống. Rượu ché của đồng bào mang mời khách quý, không được từ chối. Rượu là từ cái phụ nữ mà ra, phải mời cái phụ nữ uống trước, cho dù đoàn khách đông người, cả nam, lẫn nữ. Khách uống hết lượt, già làng mới uống. Có ngồi tiếp nước vào hũ rượu mới biết già làng uống rượu giỏi thế nào, đổ nước không kịp.

Cô gái K'Pa H'Bin, 25 tuổi, Buôn trưởng, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, mà vẫn chưa bắt được chồng. Già làng than, bây giờ bắt chồng cho con gái khó lắm. Lũ thanh niên bây giờ phức tạp. Cầu xây xong, từ buôn vào thị trấn chỉ mất 2'. Người già ngày qua lại thị trấn vài lượt, sung sướng là thế, nhưng mà tụi trẻ bỗng dưng đâm ra chè chén, uống rượu chịu ngoài quán, rồi đánh nhau, kéo hội đâm chém nhau.

Đi thăm Vịnh Vũng Rô lịch sử. Giữa trưa nắng, đội mũ cói, ngồi bệt giữa lòng thuyền máy. Cách mặt nước vài mét là con tàu Không số chưa được trục vớt, vẫn nằm dưới lòng biển từ năm tôi sinh ra.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiuVNvrBP4kZCgwetLVyaFAxFnue6GINnTU12DlpWyE2xS8ScOPYOAHd0up75seXNEyqJxLViXFbeXfrg5r8u74xwzr3DVvtXT5cQua8dkwyFoZYh1akHG4_IL9ZWFUyk5GwetXnCFE7BA/s1600/Vinh+Vung+Ro.JPG

Vũng Rô là một vịnh nhỏ nhưng xinh đẹp thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEicRwIhcIHBg-uEUsPFq5fYpCku7Bx_XCCF8Nlv9qN3OUE6uOzW47d4msB1bXrN7SkJZYhmls5hon_yWFrmQtz1OkkqanUGF1BPmGBieNBt_FITDq1uwei2H4NGjbC3pqvtvTkwod281kY/s1600/vung+ro.jpg

Vũng Rô nằm tiếp giáp với biển Đại Lãnh thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Vũng Rô có diện tích 16,4 km² mặt nước, được 3 dãy núi cao che chắn là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ 3 phía Bắc, Đông và Tây. Phía Nam vịnh là đảo Hòn Nưa cao 105 m như 1 pháo đảo canh gác, trên đảo có ngọn đèn biển lớn.

Ven bờ biển Vũng Rô có nhiều bãi cát vừa và nhỏ. Một số bãi đẹp như Bãi Chùa, Bãi Bàng, Bãi Lau.

Phú Yên còn nhiều thứ vẫn đang ngái ngủ, hoang sơ như bờ biển dài tít tắp. Ra xa hàng chục mét vẫn chỉ ngập tới cổ. Giống như người đẹp vẫn còn mơ màng, chỉ sợ tỉnh giấc sẽ chóng già, sẽ phai tàn nhan sắc!


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgJL57Ivo_9nTx0nbDdAgqdPuq92Wjwgci3T8FEfvIKAeACMD_62tD3mak-asqrUEJIvk74FEr3Tly_JjHuv2duxwbIhwaTv5xK5HiQF_s9oDb0mvus1xI5Jdd5xLDacyPI42QKtOeeKzU/s1600/tuy+hoa.JPG

                                       Trung tâm thành phố Tuy Hòa năm 2010 (ảnh wikipedia)

Về với Phú Yên như về nhà. Cả nhà được đón tiếp với nghi thức dành cho thượng khách. Con gái xui bố đầu tư vào Phú Yên. Con trai say sưa chụp ảnh, quay video làm tư liệu gửi cho bạn gái nó.

Rời xa Phú Yên, bay trở ra Đà Nẵng. Không phải là Hà Nội, nhưng nhịp sống hối hả, nhộn nhịp hơn nhiều lần.

Hình như có ai đó đã viết:

                                             "Ta tưởng hết say rồi
                                            Nhưng lòng ta vẫn nhớ
                                           Sao hồn dâng thành bể
                                           ... Bến đợi ở trong lòng
                                            Giấc mơ ơi, đừng tỉnh!".  
   
             
     
                                                                    Du ngoạn Gành Đá Dĩa - Phú Yên