Trang tin từ LHSVN.com.vn

Trang tin từ LHSVN.com.vn
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI LHSVN.com.vn.

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Nước Nga - Một thời để nhớ

Nguyễn Hùng

Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, chúng tôi - những sinh viên đã từng học tập ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây lại gặp nhau trong một chương trình mang tên: Nước Nga - Một thời để nhớ. Đa phần các anh các chị đều đi học vào thời điểm những năm 70- 80 của thế kỷ trước. Đó là những năm tháng đất nước ta còn nhiều khó khăn vất vả do gánh nặng của mấy chục năm chiến tranh để lại.
Tôi còn nhớ khi bước lên máy bay, cả nhóm chúng tôi lặng đi, nhìn nhau không nói lên lời.Phần biết cuộc đời mình đã bước sang một trang mới. Phần bỗng thấy nhớ quê hương, nhớ người thân da diết. Chúng tôi sẽ được sống trong một môi trường hoàn toàn khác. Vật chất đầy đủ hơn, điều kiện học tập nghiên cứu tốt hơn nhiều lần.

Từ khi có nhà văn hoá lao động tỉnh Phú Thọ thì đây chính là điểm hẹn lý tưởng của chúng tôi. Từ những ngày đầu ban liên lạc cựu sinh viên Liên Xô của thành phố Việt Trì tập hợp được trên 40 hội viên tham gia sinh hoạt. Đến nay Hội Hữu nghị Việt- Nga tỉnh Phú Thọ đã có trên 100 hội viên . Mỗi dịp gặp nhau chúng tôi lại có cơ hội để nhớ về kỷ niệm của những năm tháng học tập ở Liên Xô.



Các anh chị LHS từng học tập, công tác tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ năm nào vào dịp 7-11 cũng tề tịu về đây trong buổi giao lưu NƯỚC NGA - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ. Người cầm míc là Anh Hà Minh Tân - LHS 81-86 Volgagrad, phụ trách Hội hữu nghị Việt Nga tỉnh Phú Thọ (click image)



Anh Vi Trọng Lễ - LHS Krasnoda



Nhạc sỹ, ca sỹ, giám đốc Nguyễn Hùng (bìa trái) luôn cháy hết mình với những ca khúc Nga. Ca sỹ Đào Quang Tuyến (áo trắng) - LHS Leningrad, Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.



Anh Tỉnh (áo trắng, đang nâng cao cốc) cựu LHS trường ĐHCS Mátxcơva 86-92, hiện phụ trách phòng CSGT CA tỉnh Phú Thọ.



Anh Nguyễn Hùng dốc bầu tâm sự: tớ yêu nước Nga lắm, yêu cả những người cùng yêu nước Nga như tớ. Các bạn có việc qua Việt Trì mà không gặp tớ là không yêu chúng tớ rồi.

Anh Hùng kể: được đi học ở Liên Xô khi đã bước vào tuổi 33. Ngành học của hệ thống công đoàn đòi hỏi phải là cán bộ, đoàn viên công đoàn đã có một thời gian công tác nhất định chứ không tuyển học sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông. Nghĩa là khi được đi học thì chúng tôi đã là những người chủ thực thụ của gia đình, con cái đề huề rồi. Chính vì thế mà gánh nặng trách nhiệm gia đình lại càng nặng nề hơn. Đặt chân xuống sân bay của bạn, chúng tôi đều có chung cảm giác bị ngợp. Nghe mãi, nhìn mãi về Liên Xô, giờ mới thực mục sở thị.
Những ngày đầu xa nhà bao nhiêu là bỡ ngỡ. Cái gì cũng lạ lẫm. Năm học dự bị chúng tôi được các cô giáo Nga chăm sóc khá kỹ lưỡng. Mỗi lần qua đường các cô dắt tay từng người cho an toàn. Có ai ốm đau các cô mua cho từ viên thuốc đến quả nho quả táo. Điều kiện học tập thì khỏi phải bàn. Phòng học đẹp, trang thiết bị học tập đầy đủ, thư viện bạt ngàn sách , tha hồ mượn về tham khảo. Bạn học cùng lớp tìm mọi cách để giúp sinh viên Việt Nam học tốt.
Sau chính biến 1991, tình hình xã hội ở Nga có nhiều phức tạp. Người nước ngoài nói chung và người Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn trong học tập và sinh sống ở Nga. Hàng năm chúng tôi phải đóng tiền học phí - một khoản tiền không nhỏ thay cho việc hàng tháng được nhận học bổng trước đây. Nhiều người trong chúng tôi sau giờ học tập trên lớp phải đi làm ăn để kiếm thêm tiền trang trải cho việc học tập và giúp đỡ người thân ở quê hương. Nói chung là cũng phải bươn chải chứ không thể thư sinh như trước. Bao nhiêu là kỷ niệm.
Nhiều người trong chúng tôi đến giờ nói tiếng Nga vẫn còn rất chuẩn. Hình như tiếng Nga đã ngấm vào máu thịt của mỗi chúng tôi. Thi thoảng trong các cuộc gặp mặt chúng tôi mời được những người bạn Nga đến dự. Các bạn cùng chúng tôi hát những bài hát Liên Xô, bài hát Nga, nhảy những điệu nhảy vui nhộn. Chúng tôi tạo một không gian rất Nga với những cây thông tuyết phủ trắng cành lá, những bông hoa tuyết cách điệu, khán phòng trắng một màu tuyết . Những tình khúc Liên Xô và Nga vang lên, là âm hưởng chủ đạo của chương trình giao lưu với chủ đề: "Nước Nga - Một thời để nhớ". Dư âm của cách mạng tháng Mười , âm vọng của những giai điệu Nga như còn đọng mãi.
Thời gian đã trôi qua. Dẫu vật đổi sao dời, hình ảnh về một đất nước Nga, quê hương của cách mạng tháng Mười, xứ sở của bạch dương tuyết trắng, của những cô gái Nga xinh đẹp dịu dàng, của những con nguời Nga nhân hậu sẽ còn mãi trong kỷ niệm của chúng tôi. Ngọn lửa từ triệu triệu bông hồng sẽ còn cháy mãi, ấm mãi lòng người…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã xem bài viết này. Hãy để lại ý kiến hoặc chia sẻ của bạn cùng tác giả nhé. Nhớ để lại tên để LHSVN còn cảm ơn bạn.