Trang tin từ LHSVN.com.vn

Trang tin từ LHSVN.com.vn
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI LHSVN.com.vn.

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

TÍM BẰNG LĂNG, NƠI ĐÁY MẮT... BẰNG LĂNG

Hà Nội mùa này ngập phố màu tím. Cô bạn tôi say mê bằng lăng, đợi từng ngày hoa nở.

Cái giống hoa đến lạ, chỉ nở đúng năm ngày là nhạt tím. Cây trước, cây sau, cả phố phường đủ tông màu sắc tím. Từ đậm tới nhạt, làm lu mờ cả sắc đỏ chói chang của phượng vĩ đầu Hạ.

Mỗi sáng đi làm, ngẩn ngơ ngắm hoa, chợt quên cả chuyện đang phải nhích từng vài cm một giữa dòng người đông nghịt. Có khi nào 50 tuổi đến nơi rồi, mà vẫn còn xao động vì một sắc hoa tím, như thế có được gọi là bình thường không nhỉ?!

Chợt thấy tiếc vì mấy ngày anh vắng nhà bằng lăng còn chưa nở, mai mốt anh trở về hoa tím sẽ nhạt mất đôi ba phần. Chợt thấy chông chênh, mong manh, giống những ước mơ giản đơn mà chẳng bao giờ, chẳng thể nào vẹn toàn được.

Bữa cơm chiều có hai món rau, một thịt, một cá và không có hoa, chẳng có sắc tím nào trên bàn ăn. Anh trở về với mấy hộp gia vị súp cá kiểu Hung, vài cái gọt rau quả, đập càng cua, ép tỏi, nghiền khoai tây... cứ như một bà nội chợ "chính hiệu". "Tâm hồn ăn uống" chẳng liên quan gì đến bằng lăng, nhưng lại làm tôi xao động. Đàn bà thật dễ tổn thương, dễ lấy lòng, dễ bị làm xúc động.

Thế cho nên, bằng lăng ngập trời, cũng chẳng thể nào tím hơn... sắc hoa nơi đáy mắt!


Phương Hoa

......
BẰNG LĂNG TÍM

...“Thôi, giờ chỉ còn bằng lăng tím trên sân
Mối tình học trò giờ tung cánh bay
Ôi, tình đầu, làm sao cố quên những kỷ niệm xưa
Ước mong sao, tình đến lại một lần”...


Tôi vừa nghe vừa lẩm nhẩm hát theo giai điệu quen thuộc ấy. Bài hát gắn với những ký ức về mối tình đầu của tôi. Dòng chảy thời gian cuốn trôi đi của tôi tất cả, những tình cảm trong sáng, những ngây ngô thưở nào, và cả anh. Ngày ấy khi nghe anh đàn, tôi luôn cảm thấy có gì đó gờn gợn mỗi khi đến đoạn “thời gian đâu biết rằng, vô tình đánh mất người xưa”. Và rồi, như sự tất yếu của một quy luật, chúng tôi đã đánh mất nhau...

Nhiều khi tôi tự hỏi, có bao giờ anh nhớ đến bài hát đó? Có bao giờ anh nhớ đến nhánh bằng lăng tôi hái tặng anh? Sợ hoa kia sớm tàn, tôi không đưa anh cành hoa tươi mà chụp một tấm ảnh, bên cạnh nhánh hoa viết một lời tỏ tình vụng dại. Trong tấm ảnh ấy, màu hoa sẽ còn tươi mãi... Nhưng, anh có còn giữ nó lại hay thôi?

Cứ mỗi mùa bằng lăng nở, tôi lại tự cho phép mình ngắm hoa và nhớ anh, nhớ đến bài hát và mối tình ngày đó. Tôi nhớ những chiều mùa hè anh chở tôi trên chiếc xe đạp, mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo, những trưa nắng cùng đi học về, dù nhà anh ngược đường với nhà tôi... Tôi nhớ những buổi tối vừa ôn bài, vừa chờ tin nhắn của anh, ngày ấy, anh chưa có điện thoại, phải “mượn” của bố để nhắn cho tôi... Tôi không thể quên được cái giai đoạn khó khăn của cuộc đời mình, khi tôi tưởng rằng tôi sẽ không thể đỗ trường đại học mà tôi hằng mơ ước từ thưở nhỏ. Cánh cửa tương lai với tôi như đóng lại, bầu trời như đổ ập xuống đầu. Anh đã ở bên và nói với tôi rằng: “ Dù chuyện gì xảy ra, vẫn có anh ở bên cạnh em”. Tôi không trượt. Chúng tôi đã cùng đi học xa nhà. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết rằng, anh không còn ở bên tôi nữa.

Tôi không còn trẻ để yêu anh cuồng nhiệt. Tôi chỉ dành cho anh một góc nhỏ riêng biệt trong tim.

Ngày ấy, khi chia tay, tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ yêu ai nữa. Và tôi cũng tưởng rằng, tôi sẽ sống cô đơn nhưng đổi lại là tôi không phải dựa vào ai. Tôi tự do tự tại và tôi sẽ không sợ mất ai mãi mãi. Nhưng rồi, theo thời gian, vết thương ấy lành lại. Và, tôi đã lấy chồng.

Tôi không biết nhiều tin tức về anh. Nhưng nghe đâu anh cũng đã có gia đình, anh cưới được một người vợ giỏi giang và có một bé gái xinh xắn kém con trai tôi chừng hai tuổi. Có lẽ anh cũng yêu gia đình bé nhỏ của anh, giống như tôi yêu chồng và cậu con trai của mình.

Nhiều năm đã qua đi, mỗi khi hơi thở của mùa hè nhuộm tím những gốc bằng lăng, tôi lại nghĩ đến anh, đến mối tình còn dang dở. Ở nơi xa ấy chắc anh đang hạnh phúc. Bởi tôi vẫn cầu chúc cho anh. Trái tim anh giờ chắc không còn lạnh. Nó đã được sưởi ấm. Trái tim tôi giờ đã không còn đau âm thầm. Vì, tôi đã tìm thấy sự bình yên...
Thủy Diệu

(Theo Vnexpress)

NGƯỢC ĐỜI

Mải nói chuyện với anh bạn lâu ngày không gặp từ Việt nam qua, tôi bất thình lình phải phanh gấp để nhường cho một bà tây lặc lè đi qua đường trên cái vạch giành cho người đi bộ. Bà ta đi trước mũi xe chúng tôi, mắt lườm giận dữ, miệng còn lẩm bẩm chửi gì đó. Anh bạn tôi thốt lên, đúng là bọn tây này NGƯỢC ĐỜI.

Anh bạn tôi cứ lắc đầu mãi, ai đời trên đường xá của mấy chú tây này, thằng nhỏ nhất lại là thằng có quyền to nhất. Ông xe kamion phải đi nép nép ở dải ngoài, nhường cho chú xe con đi nhanh hơn. Ô tô thì lo tránh mấy thằng xe đạp, dừng lại cho mấy chú đi bộ qua đường trước. Nhỡ có quên thì lại bị mắng. Chả bù cho ở VN ta, mấy ông già đi bộ qua đường cứ giơ tay lên trời, quờ quờ xin vài bước, chỉ thiếu nước chắp tay vái mấy anh thanh niên đi xe máy nhường cho qua.

Nghe đâu có những cụ sáng từ bên này phố qua bên kia mặt phố uống nước chè với bạn bô lão, nhưng chỉ đến chiều tối vãn vãn xe mới dám về lại nhà mình. Trên đường cao tốc thì mấy chú choai choai lái xe tải cứ thong thả lừng lững đi giữa đường, ai giỏi đi xe con lách được chỗ nào cứ lách lên mà vượt.

Hôm sau hai anh em tôi lại đi đến khu thành cổ, nơi họ đang tổ chức festival rượu nho. Hai bên đường dài có các quán ăn, quán bán rượu, bán bánh kẹo… cạnh nhau, người đi tấp tập, vui vẻ, ăn, uống. Để ý ông bạn bên cạnh, thấy mắt cứ dán xem cái gì dưới đất, rồi chui cả vào mấy chỗ ngóc nghách ngắm, xông ra thùng rác ngó ngó. Tôi ngại quá, lôi anh ra một chỗ, hỏi:

- Mày ngất ngất, tìm cái gì?.
- Tao tìm rác-  Anh trả lời tỉnh bơ.
- Ui giời ôi, thằng bạn lẩm cẩm rồi.
- Không, năm ngoái tao đi food festival ở Vũng tàu, rác và đồ ăn thừa dân ta vứt dài cả 3 cây số, chỉ nhìn cảnh ấy mà những cái mình đã ăn muốn chui ra lại. Vừa rồi tao thấy một thằng tây „vô gia cư”, nó xin ăn cái đồ ăn thừa của người khác, ăn xong nó mang thìa đĩa nhựa bỏ vào thùng rác. Đúng là ngược đời.

Chuyện mới gần đây báo Hung đăng: một bác nông dân bắt được ở vườn nhà mình con chim ưng bị thương, bác chăm chút rồi mang tới bác sỹ thú y ở làng. Biết là loại chim này quý hiếm, ông bác sỹ và một vài dân làng bỏ tiền túi ra mua thuốc, bỏ công sức ra chăm sóc, hai tuần sau chú chim ưng hồi phục, họ vui vẻ mang ra rừng thả nó về với thiên nhiên. Cũng chỉ một tuần sau, phòng quản lý môi trường và thiên nhiên của tỉnh cử người xuống thanh toán mọi chi phí chữa bệnh với dân làng cộng với lời cám ơn (không bằng khen, huân chương).

Báo ta cũng có đăng vụ cụ rùa Hồ Gươm. Sau nhiều cuộc họp liên cơ quan, nhiều hội thảo lớn với sự có mặt của các giáo sư tiến sĩ đầu nghành đã đưa tới quyết định bắt cụ lên bờ. Đơn vị chịu trách nhiệm bắt giữ cử một chị nhanh nhẹn ra chợ Đồng xuân, „múc” ngay tấm lưới bắt cá hạng re rẻ, loai „giá mặc cả 200 nghìn viết hóa đơn triệu rưỡi”. Khổ nỗi loại lưới này bắt cá rô cũng còn khó, thành ra cụ rùa ta vẫy tay đánh nhoằng một cái đã thoát khỏi lưới ngay. Lại họp bàn hưóng xử lý khác.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

'EM RA ĐI NƠI NÀY VẪN THẾ'



https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjb43TMNcvKS3kvMKzYGIfVJDO5FV2M7UeSULhS6Y2j1a9b7BvzQuWJ0kuv7fwGW83MfpUtO0suV5IKZAcZwfw3dCD9AnUVRzq-cSHw4IqYH15R5tHJolGsv9L-z08qCYbhE8OKNx1-lpM/s1600/9.jpg
                                                          Trâu ơi, anh bảo trâu này
                                              Trâu đừng ngoái lại, trông mày đáng thương.












Hà Nội, một ngày giữa tháng 5 năm 2011.

Trời đầu hè với chút mưa hờn giận đầu buổi sáng làm không khí dễ chịu lạ thường. Cả hội phấn chấn gọi nhau í ới, nhằm hướng Xuân Mai thắng tiến. Sau một hồi lòng vòng citytour để gom quân, 11 giờ chiếc cá mập tứ quý của MC đã đổ bộ xuống toà Nhà trắng thơ mộng dưới chân núi ngay bên hồ
Đồng Chanh.
Không biết ai xem giúp phong thuỷ mà khéo thế! Vị thế này chắc chỉ về sau ngôi nhà của anh Bá Thanh tựa lưng vào núi Non nước mặt hưóng vào biển Sơn trà mà thôi…

Quân số đã gần đủ. Hoà đại nhân nghe nói đi từ sớm lắm và bà chủ sáng nay 6 giờ sáng đã rời Hà nội. Thảo nào sáng nay ngôi biệt tinh tươm hắn lên. Xe của Chung với cặp bài trùng TuanDA-QA với tay vệ sỹ nhí đã tiên phong đến khí sớm theo định vị toàn cầu của MC. Tiếp đó là Duy Phương với chú Ford Écape bất chấp địa hình. Nên nhớ là nếu trời mưa thì chỉ nên dùng loại xe 2 cầu này đến đây mới an toàn. May sao ước nguyện “xin một ngày không mưa” với Gia cát Lượng “Tóc bạc” đã thành sự thật chứ không mấy suất đinh trong xóm dễ bị huy động để đẩy 2 chú Camry của VMC và Diễm Hồng lắm, giống như bữa tiền trạm hôm nào… Nghe MC ngâm nga TCS “Em đến đây nơi này sẽ khác”, như nghe cả tiếng oằn mình của chiếc đầu đạn đang cố gồng ra khỏi bãi sa lầy. Mà cả hai lần tới đây, chỉ có xe MC bị bám đường dữ như vậy, có điềm gì không nhỉ? Có lẽ khi QC lui về ẩn dật sẽ phải đầu tư một chút vào con đường nữa bởi đây là một địa điểm nghỉ dưỡng rất lý tưởng với một nơi mà tâm hồn có thể thoát trần tìm về nguồn cội.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjaY1lepzNskJZ_8BWTbt-gWpQLlFVrisH35GYtU0GLY3vwHpdsgOuDaZR8GsJkFbQyrpTTgzgyWsqEcvMrDrsehGuE4IMSlBmtyxXk-GFlzOnTPgS_I0AV3JQuNu5RzGqjhhlQZuhnbTU/s1600/10.jpg

Cuộc sống gia đình bận rộn cộng với nỗi ám ảnh của thói đi câu “cá 50kg” từ “Ước gì 1” đâm ra cũng dị ứng với vụ Câu kéo này, thế nhưng hôm nay với sông nước hữu tình và nỗi say mê của bọn trẻ, tôi tự cho phép mình chia sẻ niềm đam mê mà có vẻ được liệt nào lãnh địa riêng của cánh đàn ông. Đó là Thú đi câu.

Trước đây, đi câu là thú vui tao nhã của người già, thảnh thơi đợi “cá đâu đớp động dưới chân bèo” hay là trò nghịch ngợm của bọn trẻ nhưng bây giờ đã trở thành một chốn xả stress rất hữu hiệu của mọi tầng lớp.

Đây là phóng sự ảnh câu cá hồ Đồng Chanh.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEitvc2Ao4tWAewYp7oAotmjichEvXS3OoRbNQP-P9JNUp3lCcuYPWYCuGUEFmjy2VXrqhBKlW-WSsi5FmNREyYPzDXq7HsqEfMWYA-U07Mmlxj4hBwQdXTofQjsNk0OvNPuma3jFFZUH2Y/s1600/dt.JPG

QA xúc cá tài ghê!

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiphAzH4LTuSvbnJH41OtJA1oON7lxf5dGHTf2PeKYysCalgTkqobko9ZJYBuWs-RtzGCPeEdGuKUe0Ku-zPK7hdEv9rUVNzKAf2yMbb2bLjFIHOti33wvCmaRfvN8O-LXsYzJT60ocqxE/s1600/dt1.JPG

Chẳng vợt được con gì cả

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgRAKEjUnELxWdmBkOIGcTHGHMWUS91ZtaRNxGu6pSAVWGay4zl4hRcNScif02_xahQSeWQXKUISC6a5UcFv3ltNEUN7uAd8LmoOYd2NJuN9qCJejvsgIeWY8u585FVrhWVivheg5rE2XE/s1600/dt2.JPG

Đi câu không phải vì cá… mà là câu sự yên bình và...

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhx-w6L5wjXV-6IUeExUosiC9bVOwrW6S4edsqtpqo0ZzLuPIXxKuqiMdWJisl1Qrf5Qs2qHSavH4lW0SkpB_rkH7uZovASqs1R1ByiwuGDWNgSGvvTSRvLX_rnKuiEER_ffT9Wly9zxCI/s1600/8.jpg

... cả thư giãn nữa chứ. Những giây phút quý hơn vàng, phải không các bạn?

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi4tD0uo6MTYLOi23B-D4tLGV3I9ZoBtB8fzZmA7zTSJMn_IkoMyki6TVQZYQju2iwEwyvZzNjWa6CqeiYcLCYU9WfpXyQyC_mdsIRqqOzlCvVesJBDOwD0AhS9KwLN8FkqnW9rtsL8sys/s1600/11.jpg

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjS1GoC_dRaak5-BBYh9RbytLb7JyL7y1weeWC7SV_W3cionWG6R215zvRKiMdLp2XKbv_mpnOQsjp4_qbwawipGypY1kg4ShhGVcWofX_s3Mgp9BTRKIG8vY_oS0w5ApT70HGki6y-lQ0/s1600/7.jpg
Vừa xách giỏ cá lên Bích Lân đã trêu “Lại câu được từ xuồng” chứ gì ?

Chiến lợi phẩm hôm nay ngoài một chú cá chép dạng “Kate Moss” gày giơ xương còn là ba chú trê Phi.

Thế nhưng đối với cbọn trẻ đấy đã là 1 kỳ tích, “Kate Moss” được chiên với dầu Simply ngủ quên trong chai cả năm mà vẫn được welcome triệt để. Đám cá đã được chú Ben còi, ngày thường vẫn đánh vật với cặp sách mà hôm nay hân hoan với thành tích nên đã hồ hởi tha từ hồ lên tận nhà.

3 chú trê cùng với chiếc giỏ được cu Ben khệ nệ tha từ dưới hồ lên tận nhà. Với vóc dáng gày gò hơn 20kg, việc xách chiếc cặp đi học từ xe vào lớp đã là một kỳ tích và thường nhờ mẹ. Thế mà hôm nay vì hân hoan với chiến lợi phẩm nên vô cũng thích thú, bất chấp đường xa.

Trên đường về, mấy chú nhóc được học 2 nguyên tắc cơ bản trong câu cá là:

- Phải im lặng vì cá rất thính.
- Kiên trì thì sẽ câu được cá to.


Phương khá sát cá. He he, không biết còn sát gì nữa không? Chỉ thấy bạn phàn nàn là vợ tớ sợ cá lắm rồi! Tự hiểu là nếu cá mua ở chợ thì chỉ cần chống chân xe máy sẽ có dịch vụ từ a-z. Còn cá nhà câu được là phải tự đánh vảy mổ bụng... ngại chết, chưa kể nghĩ nát nước ra làm món gì cho phù hợp nếu giỏ cá xách về đa chủng loại.

Thế nhưng cánh đàn ông đâu có quan tâm. Cái họ sướng là quá trình săn mồi, đạt được mục tiêu… Chứ cá bắt xong rồi thì makeno. Nhiều khi bắt được cá bé là cho tha bổng luôn.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgei6WyTLJ94f0EsWeDDMMcSluZr88JQQ1Bl3BQFw80X6ujHhTkPGgFAnGKYit8QsaB9bgybhHvixXXvIukTpTAVfXTqMIXNuILGjvE20N1d1wxU7GNWZTB2C8lEfs3V97pdaUnD42a91Y/s1600/dt3.JPG

Nhà cháu không có sông hồ, đành câu trong chậu vậy!





Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC








Lần thứ hai về với Hà Giang.

Chuyến đi ngoài dự kiến. Suốt một tuần liền hết Phú Yên, lại Đà Nẵng, mình hoàn toàn muốn nghỉ ngơi, nhưng không thể từ chối Bộ Giáo dục và Đào tạo, thế là lập tức "khăn gói quả mướp" lên đường về với cực Bắc của Tổ quốc thân yêu.

Câu chuyện đầu tiên khiến mình cảm động là câu chuyện về các cô giáo vùng cao không lấy được chồng. Có trường học tới 15 cô, lớn nhất là 38, nhỏ nhất là 27, chưa ai có chồng. Các cô giáo xinh đẹp từ miền xuôi lên với núi đá, chôn vùi tuổi thanh xuân của mình, cứ như là gieo những hạt ngô vào các kẽ núi, nơi chỉ có hơi ẩm từ sương đêm với một chút mùn từ xác lá. Những hạt ngô thì nẩy mầm, mang lại một chút màu xanh và lương thực cho cảnh vật và con người nơi đây. Các cô giáo thì già đi, đổi cả cuộc đời mình lấy vài cái chữ cho con trẻ, để chúng tiếp tục bám lấy mảnh đất khô khát, tiếp tục khẳng định chủ quyền và giữ lấy vùng lãnh thổ thiêng liêng.

Từ thành phố Hà Giang lên tới thị trấn Huyện Yên Ninh đi ô tô mất 4 giờ đồng hồ. Để có thể làm việc ở Yên Ninh cuối buổi sáng, phải đi từ 6 giờ, ăn sáng dọc đường và làm việc cả buổi trưa. Đấy là câu chuyện thứ hai về cái vất vả triền miên mà cán bộ vùng cao phải chấp nhận. Chưa hết, ngày hai bữa cơm, là hai bữa rượu. Rượu là một thói quen xấu khó sửa ở nơi đây. Cứ như thể nếu thiếu men say, họ sẽ chẳng đủ nghị lực để mà vượt qua con đường hiểm trở, một bên là vực thẳm, một bên là vách đá dựng đứng, cộng với những khúc cua mạo hiểm, chỉ thấy ở đường đua xe công thức I. Rượu uống bằng bát như thế, nhưng công việc vẫn phải tỉnh táo, sáng suốt. Cái cán bộ ở xuôi lên cũng phải uống, chén to, chén nhỏ, có uống mới quí nhau, mới thật bụng với nhau, mà mình đã mời cái cán bộ trung ương, cái cán bộ phải mời lại chứ, nếu không thì mình buồn lắm! Cái lý của người Mông, cãi làm sao đây?!

Câu chuyện thứ ba là câu chuyện về Cột Cờ Lũng Cú. Cột cờ được xây trên một quả đồi, mô phỏng hình dáng Cột Cờ Hà Nội. Leo mấy trăm bậc thang bằng đôi giày cao 9cm, quả thật không còn cảm giác mệt mỏi, đau chân khi ngắm lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió, đỏ rực rỡ trong ráng chiều. Phần thi vị nhất, là chính vào khoảnh khắc đáng nhớ ấy thì tin nhắn của Anh bất ngờ rung lên trong máy: "Em có một chiều tối tuyệt vời nơi địa đầu Tổ Quốc nhé!". Anh, em không muốn suy diễn sự tình cờ này, nhưng, quả thật em đã xúc động, tận đáy trái tim.

Câu chuyện thứ tư là chuyến viếng thăm ngôi nhà của Vương Chí Sình, hậu duệ của người được gọi là "Vua Mèo", vì được giao trấn giữ nơi cực Bắc của Tổ quốc. Vương Chí Sình buôn thuốc phiện, có 5 bà vợ, trong đó chỉ có 3 bà được coi là vợ chính thức. Bà vợ đầu tiên hơn ông ta 14 tuổi, bà Hai mất sớm, lại không có con trai, cho nên, quyền hành trong nhà ở cả tay bà Ba. Ba bà vợ ở ba căn phòng liền nhau, nhưng đều có cửa hậu từ trên gác xuống và ông ta có thể lựa chọn nơi ngủ của mình mà không ai biết. Ngủ thì bí mật như thế, nhưng ông ta lại tắm ở ngoài sân, trong một bồn tắm bằng đá chứa đầy sữa dê, do cả ba bà vợ phục vụ. Các ông chồng thời nay nghe vậy chắc đều mơ được làm vua Mèo, dẫu chỉ một đêm?!

Buổi tối ở Đồng Văn, ăn cơm cũng rượu, uống cà phê cũng rượu, ăn cháo ấu tẩu cũng rượu... người như có thể vắt ra rượu, tóc tai đẫm men lá, men ngô. Nhưng kỳ lạ, hoàn toàn tỉnh táo. Chỉ nhớ bố, 50 năm về trước ông đã dạy học trên này, hiệu trưởng trường cấp III đầu tiên của Hà Giang, ông đã uống rượu bằng bát, say mất hơn một ngày, chui cả vào bàn thờ của người Mông để ngủ, để mặc mọi người tá hỏa đi tìm, tưởng ông đã ngã xuống vực... Con là con gái của bố và đã không làm bố phải thất vọng, phải không ạ?!

Câu chuyện cuối cùng là chuyến trở về sóng gió. Cả đoàn lạc đường, 9h tối mới được ăn cơm ở Vĩnh Phúc. Rồi thì 11h đêm cũng về đến nhà cùng hai bó rau cải mèo thật to. Cải mèo trông rất cứng, ram ráp những gai, nhưng xào lại rất mềm, vị the the đắng và ăn xong mới thấy ngọt tận đáy cổ họng, hoàn toàn giống như tình yêu - thì phải?!


Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

CHIẾN TRANH và HÒA BÌNH




Vô vàn lần xin lỗi đại văn hào L.Tônxtôi, vì buộc phải mượn tựa đề nổi tiếng của ông để viết về những xúc cảm phức tạp trong tôi bây giờ.
Xin hãy thử đặt mình vào vị trí của tôi và tưởng tượng, trong một chiều đẹp nắng Tháng Năm, nắm tay chồng con dạo chơi trên một bờ biển vắng thanh bình, thì được báo tin, trước cửa nhà mình tìm thấy một quả tên lửa máy bay, dài hơn một mét, to hơn bắp chuối...
Quả tên lửa nằm ngủ yên dưới móng nhà hàng xóm ấy đã gần nửa thế kỷ. Đó là căn nhà của nguyên Chỉ huy trưởng trận địa pháo cao xạ Đầm Sen, người đã từng bắn rơi máy bay B52 trong những ngày tháng oanh liệt năm nào. Nếu căn nhà không bị dỡ bỏ, đào móng sâu để chuẩn bị xây nhà cao tầng, thì quả tên lửa sẽ còn nằm đó chưa biết bao nhiêu lâu nữa.

20 năm trước, dưới lòng đất ngôi nhà của bà nội tôi giữa phố Triệu Việt Vương cũng đã tìm thấy một quả bom tấn chưa nổ. Tôi nhớ được báo tin này khi đang học ở Mát-xcơ-va và cũng nhớ cảm giác thật khó tả khi biết rằng cả tuổi thơ của mình đã sống trên bom đạn, theo đúng nghĩa đen.

Và giờ đây, tuổi thơ của các con tôi cũng đã trôi qua trên mảnh đất liền kề với bom đạn.

Vậy mà, sẽ còn bao nhiêu bom đạn ngay giữa lòng đất Thủ đô, bao nhiêu bom mìn chưa nổ trong lòng đất trên khắp Việt Nam yêu dấu này, còn biết bao nhiêu hiểm họa đe dọa những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình?!

Tôi thấy mình tức giận, nước mắt ứa ra và căm ghét chiến tranh, như không thể căm ghét điều gì hơn thế.

Chiến tranh, khủng bố, giết người, bạo lực... người ta tranh giành nhau đủ thứ trên đời. Nhỏ là tranh nhau gái đẹp, rồi chức vị, những mối lợi có thể tính thành bạc triệu, bạc tỷ. Lớn hơn, người ta tranh giành nhau đất đai, tranh giành ảnh hưởng, tranh giành nguồn năng lượng, tranh giành và chém giết lẫn nhau.

Cũng là con người, có những người cả đời chỉ biết yêu thương, có những người cả đời chỉ ôm thù hận.

Thậm chí cùng là yêu thương, có người làm tất cả để người mình yêu được hạnh phúc. Có người làm tất cả, từ quấy nhiễu, đe dọa, giết chết người mình yêu, để cảm thấy thỏa mãn.

Người ta bảo nếu không có chiến tranh làm sao hiểu hết ý nghĩa của hòa bình. Nếu không có đau khổ, làm sao cảm nhận được hạnh phúc... Sự ngụy biện ấy sẽ tiếp tục đưa loài người đi tới đâu, sẽ hủy diệt loài người, trước khi kịp hiểu ra giá trị thực của cuộc sống.

Có lẽ, đã đến lúc, mỗi ngày được sống, mỗi người được sống, nên cố làm một điều gì đó, cho dù thật nhỏ bé, cho cái chung, để gìn giữ cuộc sống trên trái đất này...

...

Nhà Quang Chi sát hồ Đồng Chanh

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

MƠ MÀNG PHÚ YÊN...



Đi thăm Vịnh Vũng Rô lịch sử.

Vũng Rô nằm tiếp giáp với biển Đại Lãnh thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Vũng Rô có diện tích 16,4 km² mặt nước, được 3 dãy núi cao che chắn là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ 3 phía Bắc, Đông và Tây. Phía Nam vịnh là đảo Hòn Nưa cao 105 m như 1 pháo đảo canh gác, trên đảo có ngọn đèn biển lớn.

Ven bờ biển Vũng Rô có nhiều bãi cát vừa và nhỏ. Một số bãi đẹp như Bãi Chùa, Bãi Bàng, Bãi Lau.

Trong lòng vịnh có nhiều loại tôm cá trú ngụ. Dưới đáy biển còn có nhiều loại san hô rất đẹp và độc đáo.

Trung tâm thành phố Tuy Hòa

Trên máy bay đi Phú Yên, cậu tiếp viên hàng không hỏi: "Chị vào Phú Yên để xem cái gì"?! Nhiều người chẳng biết Phú Yên là ở đâu và Tuy Hòa thì lại càng chịu, chẳng hiểu là địa danh nào?!

Nằm lọt giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định, một tỉnh giàu thứ nhất, một tỉnh thứ ba miền Trung, vậy mà Phú Yên chỉ vừa mới lọt vào "Câu lạc bộ GDP 1.000 tỷ" năm ngoái.
Bay sát mặt đất mới cảm nhận vì sao lại có ý tưởng Sama-Dubai của các tỷ phú giàu lửa muốn đầu tư vào mảnh đất trên là nắng, dưới là biển này.

Đi thăm Sông Hinh, qua một cây cầu ngắn, cách trung tâm Thị trấn chỉ độ dăm chục mét là một buôn Ê-đê truyền thống. Rượu ché của đồng bào mang mời khách quý, không được từ chối. Rượu là từ cái phụ nữ mà ra, phải mời cái phụ nữ uống trước, cho dù đoàn khách đông người, cả nam, lẫn nữ. Khách uống hết lượt, già làng mới uống. Có ngồi tiếp nước vào hũ rượu mới biết già làng uống rượu giỏi thế nào, đổ nước không kịp.

Cô gái K'Pa H'Bin, 25 tuổi, Buôn trưởng, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, mà vẫn chưa bắt được chồng. Già làng than, bây giờ bắt chồng cho con gái khó lắm. Lũ thanh niên bây giờ phức tạp. Cầu xây xong, từ buôn vào thị trấn chỉ mất 2'. Người già ngày qua lại thị trấn vài lượt, sung sướng là thế, nhưng mà tụi trẻ bỗng dưng đâm ra chè chén, uống rượu chịu ngoài quán, rồi đánh nhau, kéo hội đâm chém nhau.

Đi thăm Vịnh Vũng Rô lịch sử. Giữa trưa nắng, đội mũ cói, ngồi bệt giữa lòng thuyền máy. Cách mặt nước vài mét là con tàu Không số chưa được trục vớt, vẫn nằm dưới lòng biển từ năm tôi sinh ra.

Phú Yên còn nhiều thứ vẫn đang ngái ngủ, hoang sơ như bờ biển dài tít tắp. Ra xa hàng chục mét vẫn chỉ ngập tới cổ. Giống như người đẹp vẫn còn mơ màng, chỉ sợ tỉnh giấc sẽ chóng già, sẽ phai tàn nhan sắc!

Về với Phú Yên như về nhà. Cả nhà được đón tiếp với nghi thức dành cho thượng khách. Con gái xui bố đầu tư vào Phú Yên. Con trai say sưa chụp ảnh, quay video làm tư liệu gửi cho bạn gái nó.

Rời xa Phú Yên, bay trở ra Đà Nẵng. Không phải là Hà Nội, nhưng nhịp sống hối hả, nhộn nhịp hơn nhiều lần.

Hình như có ai đó đã viết:

"Ta tưởng hết say rồi
Nhưng lòng ta vẫn nhớ
Sao hồn dâng thành bể
... Bến đợi ở trong lòng
Giấc mơ ơi, đừng tỉnh
!".

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

LHSVN tại HUNGARY HỌP MẶT CHÀO MỪNG 1/5


Mừng ngày mùng một tháng năm

Lưu học sinh Hùng họp năm đông vui,

Mấy chục năm, lắm ngọt bùi,

Gặp nhau tý toét, bùi ngùi lúc xa

Con cháu ngày càng đông ra

Ta vẫn chưa già, chưa thấy chán nhau

Thôi thì lại hẹn năm sau...