Trang tin từ LHSVN.com.vn

Trang tin từ LHSVN.com.vn
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI LHSVN.com.vn.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

MỘT TÁC PHẨM CỦA HẰNG BÍ


Rình 10 phút trên tàu và hy sinh ổ bánh cuối cùng khi bụng đang réo để chụp được cánh hải âu chao nghiêng trên Địa Trung Hải. — ở Istanbul, Turkey.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Diễm Hồng in Moscow

Tối 25/09/2011 hội Moscow chúng tớ có buổi gặp gỡ với người đẹp Diễm Hồng cùng bạn Nguyễn Minh Vũ (C5). Mời cả nhà cùng xem và ngắm nha.


http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/2.jpg

 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/1.jpg

  Bạn VINH đang ngất ngây khi mường tượng sẽ...

http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/3.jpg
 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/2-1.jpg

  Nguyễn Minh Vũ lâu lắm mới xuất hiện (thứ 2 từ phải sang)
 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/3-1.jpg

Nguyễn Văn Ngự, Trần Quang Sơn (từ phải sang)

 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/8.jpg

 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/4.jpg

  Hải Châu đằm thắm với tím Huế mộng mơ (bìa trái)
 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/5.jpg

 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/6.jpg

 
http://i826.photobucket.com/albums/zz189/nguyenkhacminh82_83/7.jpg

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011


Chán món Lưỡi bò Trung Quốc, Bí mời cả nhà mình tí tình cho vui nha.
Bài viết này Bí tặng em M.A.
...

Quay lưng lại phía tôi, em khẽ nói:” Em ghét cái barrier, tất tần tật các loại barrier”. Nói rồi em cười, vẻ vô tư.



Tôi muốn nói với em rằng thứ tôi ghét lúc này chính là nụ cười cố gắng tỏ ra vô tâm của em, nhưng vẫn đáp lời em, rằng người ta sinh ra cái barrier là để giúp đời này duy trì một thứ trật tự tương đối và cũng đầy khiên cưỡng.

Em nghiêng đầu lắng nghe chăm chú, lại mỉm cười với tôi, rồi nói:” Thì đúng vậy, nhưng chính vì thế mà em ghét chúng. Chúng khiến em liên tưởng tới sự ngăn chặn, cấm đoán thậm chí triệt tiêu luôn bản năng con người trong những tình huống cụ thể nào đó”.
Em dài dòng diễn giải cho tôi nghe về cái thông điệp “stop” đầy tính đe dọa mà những cành tre cong cong hay những cái cần sắt nặng nề thông qua đường thị giác truyền tải lên khối óc rồi vòng xuống trái tim mỗi con người.

Rồi cánh cửa phòng tôi đóng lại sau nụ cười của em.

Còn lại một mình, tôi tự hỏi tại sao em thích nói những điều vớ vẩn như thế với tôi? Em có hiểu không nhỉ, rằng tôi chẳng vì lý do gì mà phải băn khoăn liệu có tồn tại hay không trên cõi đời này những cành tre cong cong hay những thanh sắt trơ lỳ cản đường những kẻ đang cố tình vượt qua một thứ chuẩn mực mong manh nào đó. Tôi không biết cái gì đang diễn ra trong suy nghĩ của em, chỉ biết rằng em thường quay lưng cùng với sự lấp lửng khó chịu này, mặc kệ tôi thầm mỉa mai cái điên rồ nửa già nua nửa con nít, nửa hướng thiện nửa sẵn sàng nhúng chàm của em.

Với tôi lúc này, một chút tình khiến cho cuộc sống đầy áp lực trở nên thi vị. Nó làm cho quãng thời gian đeo nặng gông cùm tính toán sắp đặt của tôi nhẹ nhàng hơn. Tôi luôn biết rằng những khoảnh khắc này rồi cũng sẽ qua đi, bởi tôi hài lòng với thành quả cuộc đời hiện hữu của tôi. Em cũng sẽ quay về với những gì đang là của em, nhẹ nhàng không ràng buộc. Lẽ ra em phải cảm ơn tôi mới phải vì tôi chưa từng muốn trở thành bất cứ thứ rào cản tình ái dây mơ rễ má nào níu giữ chân em hay bất kỳ người phụ nữ nào khác.

Có cách nào làm cho em hiểu được rằng tôi chỉ là một thanh nam châm vô tình với vẻ ngoài im lìm bí hiểm. Thanh nam châm ấy nhiều khi còn không phân biệt nổi sự khác nhau của những vụn sắt quanh mình. Tôi chưa từng đưa tay đẩy bất cứ một vụn sắt nào ra khỏi cơ thể mình. Tôi để mặc cho chúng, hết vòng ngoài rồi vòng trong, đến thời điểm nào đó tự đuối sức mà rời khỏi tôi trong lặng lẽ. Em tỏ ra không hiểu làm gì, ngoan cố nửa vời về một thứ rào cản nhân văn vô cùng lẩn thẩn làm gì, dợm bước chân bỏ tôi ra đi trước khi tôi kịp tỏ ra hờ hững làm gì, vì chỉ một lần siêu lòng em quay mặt lại phía tôi và bước chân sang bên kia rào cản cũng đã quá đủ để em trở thành một trong số những vụn sắt quanh tôi.

Tôi thực sự muốn tiêu diệt cái cảm giác mà em gây ra cho tôi khi cứ cố chứng tỏ rằng mình đang chênh vênh trên chiếc barrier do chính em tạo nên. Em ngoan cố và ngu ngốc hơn tôi tưởng rất nhiều, không hề biết rằng giá trị của những vụn sắt đối với một thanh nam châm chính là sự dấn thân tuyệt đối cho những khoảnh khắc đam mê đến cạn kiệt nguồn sinh lực chứ không phải là hình ảnh những cành tre cong cong hay những thanh chắn nặng nề nhiều giá trị đạo đức nhân văn nửa vời, mỗi lần hất lên rồi hạ xuống lại làm mất đi một phần cảm hứng của những gã đàn ông trung niên đã quá dư thừa lý thuyết sống như tôi. Lòng tôi đã không còn chỗ cho bất cứ một điều gì mang màu sắc lãng mạn như thế đến từ em.

Tôi muốn em phải trở thành lớp vụn sắt trong cùng gắn chặt vào tôi, rồi sau đó lại tự mình lặng lẽ tìm cách rời xa tôi như tất cả những người đàn bà khác, tuyệt nhiên không ngoại lệ. Tôi vốn là như thế. Chỉ mình em cố tình không hiểu điều đó, vẫn cố kiếm tìm để vẽ nên cho tôi và cả cho em một cái gì lung linh hơn thế.

Vụn Sắt đáng yêu của tôi, em có hiểu không nhỉ, lâu lắm rồi, giữa những trắng đen thật giả lẫn lộn, tôi không còn đủ khả năng để cảm nhận bảy sắc cầu vồng, cho dù thỉnh thoảng nó vẫn hiển hiện giữa bầu trời sau những cơn mưa.

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

CHÚC MỪNG PGS.TS NGUYỄN HỒNG SƠN

Sáng 15/3/2011, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã trang trọng tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2011 - 2016 cho PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn. Bạn Nguyễn Hồng Sơn là LHS lớp A2 và học trường MGU, sau đó làm tiếp NCS Tiến sỹ.



Tới dự buổi lễ có bà Đại sứ quán New Zealand và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Christopher W. Hodges - Tham tán Văn hóa Thông tin, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Matsunaga Masae - Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; Giáo sư Micheal Hoey - Phó Giám đốc Đại học Liverpool và GS. Tom Cannon đến từ Vương quốc Anh; ông Nguyễn Văn Vui - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Viện KHXHVN cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan, các tập đoàn doanh nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế của Trường ĐHKT.

Về phía ĐHQGHN có GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN cùng các Phó Giám đốc, đại diện các văn phòng, các ban chức năng, các đơn trị trực thuộc cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Trường ĐHKT đã tham dự buổi lễ.

 GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN đã trao Quyết định bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN và mong rằng Hiệu trường Nguyễn Hồng Sơn sẽ kế tục xuất sắc những thành tựu Trường ĐHKT đã đạt được và đặc biệt tập trung thực hiện 3 việc: 1) Tiếp tục thực hiện thật tốt nhiệm vụ chiến lược làm nòng cốt để sớm đưa ĐHKT đạt chuẩn quốc tế ở một số lĩnh vực mình có thế mạnh riêng trên nền tảng khoa học cơ bản mạnh và khoa học xã hội nhân văn của ĐHQGHN; 2) Tạo dựng thành công mô hình trường đại học nghiên cứu; và 3) Tạo dựng lên một mô hình liên kết, liên thông hợp tác toàn diện trong ĐHQGHN, sử dụng hiệu quả nguồn lực chung, phát huy lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực để sớm đạt chuẩn quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Đảng bộ TP. Hà Nội, Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã tin tưởng, ủng hộ và tạo cơ hội cho ông được tiếp nhận vị trí Hiệu trưởng Trường ĐHKT. Ông cũng hứa sẽ cùng Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường ĐHKT tăng cường đoàn kết, chủ động và tích cực khắc phục khó khăn tìm mọi giải pháp phát huy tối đa các nguồn lực để cùng với đội ngũ cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

KIẾP BỤI ĐỜI NGƯỜI 3: LANG THANG


Đã hơn 20 năm kể từ khi tôi rời trường đại học, bước vào “kiếp phôi pha”, đi không biết bao chặng đường, qua bao miền đất lạ, gặp được mấy người thâm giao, chỉ còn nhớ là đã dùng hết bốn cuốn hộ chiếu đầy kín dấu thị thực và giờ là cuốn thứ năm. Những ngày đầu tôi đi dọc ngang Châu Âu bằng xe lửa. Và lúc trước trường tôi học cũng ngay sát sân ga. Nên đến giờ tôi vẫn còn đôi khi giật mình như nghe thấy tiếng còi tàu đâu đó vọng về.

Năm 90 sang Thụy Sĩ, tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi đầu tiên sang nước tư bản tươi đẹp, bản đồ đi đường, bản đồ nơi đến…, va-ly đầy hơn nửa là mì ăn liền, “tàu ngầm” - kỹ thuật đun sôi nhanh hiện đại của Nga, và hai trăm đô la quý giá luôn sát tim. Thế mà tôi bị nhịn đói gần 2 ngày trên tàu, vì nhầm giờ, cứ tưởng là sáng nay đi chiều tới, bụng cồn cào cả đêm mà tàu vẫn chưa tới, nhìn lại vé tàu thì té ra cũng giờ đó nhưng hôm sau tàu mới tới. Quê quá.

Đến ngày gần rời Thụy sĩ thì bức tường Berlin đổ, hai nước Đức thành một, không còn nước Đức XHCN nữa, tôi không thể đi về đường cũ qua Đông Đức. Đành vòng vèo qua Áo, vào Hung, qua Nam Tư… Tàu đi qua nhiều cánh đồng xanh rì bát ngát, đôi lúc nhìn thấy xa xa những túm dân ngựa xe tụ họp trên đồng cỏ, lúc chiều hôm, bên lửa bập bùng, nghĩ mình chắc có chút máu Dzigan.

Quả vậy, cuối 91, ngậm ngùi sau 1 năm tu nghiệp buôn bán ở Ba Lan, tranh thủ đi lại Trieste (Ý ) làm khoa học, quay về nước tôi lại ngược xuôi các miền đất phía Bắc, vượt các dòng sông biên giới, qua những cánh rừng non xanh, hay nẻo đường mờ bụi đất đỏ, vào sâu Trung Quốc, lang bạt kỳ hồ với dân buôn lậu, kết bạn với khách giang hồ thập phương,... lúc thuyền nan, lúc xe thồ, rồi có hôm ngả mình trong ngôi nhà vạn sao…

Chúng ta ai cũng có những giấc mơ về tương lai. Và lúc bé có nhiều mơ ước đẹp. Rồi thời gian qua đi. Lo toan với bao công việc hàng ngày, với yêu thương với giận hờn, dường như ta cứ đi mãi vào cõi xa xăm. Cho đến khi một ngã rẽ xuất hiện, như tiếng kêu gọi thức tỉnh vang lên trong ta.

Có thể dù vẫn đang cố gắng dần từng bước biến ước mơ thành hiện thực, nhưng ta lại như đang lạc vào miền đất lạ, lòng chợt hỏi, sao tôi lại đến chốn này?

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

CHÚC MỪNG CHÁU NGUYỄN PHƯƠNG ANH ĐĂNG QUANG HOA HẬU NGƯỜI VIỆT CHÂU ÂU 2011


Tối ngày 06.08.2011, 22 thí sinh tiêu biểu được lựa chọn qua các cuộc sơ tuyển ở Đức, Séc và một số nước Châu Âu khác đã có mặt tại Nhà Hát Admiralspalast Berlin (CHLB Đức) để tham dự đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu người Việt tại châu Âu 2011 lần thứ 3.

* HOA HẬU CHÂU Á tại HUNGARY

Tới dự đêm chung kết có ông Đại sứ Đỗ Hoà Bình, Hoa hậu Người Việt Châu Âu 2009 Nguyễn Ngọc Kiều Khanh cùng nhiều quan khách, các nhà tài trợ cho cuộc thi và hơn ngàn khán giả từ khắp nơi tới cổ vũ cho các thí sinh.

Mặc dù chỉ có hai ngày để chuẩn bị cho đêm chung kết nhưng các thí sinh đã có những màn trình diễn rất ấn tượng trong các cuộc thi áo dài, áo tắm, dạ hội và tài năng.

Người đẹp mang số báo danh 45 đến từ Hungary đã rất xuất sắc vượt qua 21 thí sinh còn lại để đăng quang trong đêm chung kết.

Nguyễn Phương Anh đã chinh phục Ban giám khảo và rất nhiều khán giả có mặt trong hội trường bằng câu trả lời rất "ấn tượng" trong vòng thi ứng xử. Để tạo sự công bằng cho tất cả các thí sinh, Ban Giám Khảo đã có một câu hỏi chung dành cho tất cả các người đẹp.

Khi được hỏi: "Bạn nghĩ gì về cuộc thi HHNV tại Châu Âu?", Nguyễn Phương Anh sau một vài phút run vì hồi hộp đã trả lời ngắn gọn: "Theo em cuộc thi HHNV tại Châu Âu rất hay vì trong cuộc thi này em đã gặp được rất nhiều bạn bè, học hỏi được rất nhiều điều và chưa bao giờ em nói được tiếng Việt nhiều như thế này."


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

KIẾP BỤI ĐỜI NGƯỜI 2: QUÁN TRỌ


Mấy năm gần đây tôi hay mất ngủ. Phần vì căng thẳng công việc, phần vì tuổi già đến sớm (?). Nhiều hôm về đến nhà chỉ còn chó vẫy đuôi đón, gác cổng soi đường. Lên giường dù muộn thế nào nhưng tôi cũng thường phải đọc dăm ba trang sách mới chợp mắt được. Có khi chợt tỉnh dậy thấy đèn tường còn sáng chói, có khi ngủ vùi trong cơn mơ lẫn lộn. Tôi hay mơ lắm.

Lúc thấy người đẹp kề sát bên mà chân tay nặng nề không sao cất lên được để giữ người đẹp trong vòng tay, khi thấy bên đường có bóng người quen, vẫy tay cười nói, mà tìm mãi không có đường sang, dòng xe cộ đi hoài chẳng ngừng. Rồi lại có hôm cười nói vui vẻ với người bạn học cũ từ thửa nào, lâu lắm rồi không gặp lại… Và tôi thường hay thức giấc vì bất kỳ một tiếng động nào chợt đến, tiếng chó sủa nhà bên, tiểng còi xe tải chạy vội, hay tiếng chuông điện thoại đặt giờ. Lúc đó dòng suy tưởng mung lung dường như rơi phịch xuống thực tại, và tôi hiểu, tôi vừa trở về từ cơn mơ, và tôi vẫn nằm trên giường. Tôi trườn người, ngọ nguậy, hé mắt nhìn ánh sáng mờ ngoài khung cửa.

Tôi đã về với thực tại. Tôi dần tỉnh thức. Có lẽ tiếng gọi thức tỉnh cũng không khác mấy , khi bạn đang đi miên man trong dòng đời, đến những điểm ngoặt, khúc rẽ, tiếng động bất chợt rọi vào tâm trí làm bạn phải bừng tỉnh đối mặt với những lựa chọn, thách thức nào đó. Và ngày mới dần đến trong hành trình đời ta. Nhà thơ Hồi giáo vĩ đại (thế kỷ 13), J.Rumi có nhắn nhủ ta:

 “Đời người như quán trọ.
Sáng nào cũng có khách phương xa
Vui buồn, hèn sang, sơ thân
Dẫu không mời chào vẫn đến

Hãy cứ ân cần tiếp đón!
…Và biết ơn bất kỳ ai tới,
Vì họ là sứ giả đến thăm
Được cử tới từ chốn trời xanh…”

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

BỤI ĐỜI NGƯỜI 1: VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ



Đức Phật chỉ cho chúng sinh biết về ngũ uẩn hình thành nên mỗi con người. Đó là Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Có thể hiểu giản dị, Sắc là thế chất – thể xác, Thọ là tình cảm – cảm xúc, Tưởng là tưởng tượng – hình dung, Hành là ý chí – chọn lựa (trong lời nói, việc làm, suy nghĩ), Thức là nhận thức – hiểu biết (tri thức).

             Ngũ  uẩn liên quan chặt chẽ với nhau, cái này liên quan đến cái kia, không tách biệt khỏi nhau. Nếu không đem tâm so sánh (tưởng) thì vạn vật đều như nhau, thế nhưng vì tưởng phân chia, sắp đặt mà tạo nên sự khác biệt và đặt tên riêng cho nó. Vì thế mà có núi, sông, hoa lá, cỏ cây, con người, con vật…

                        Một thiền sư đã viết:
              Sắc như phù mạt, vì thân xác con người hợp tan như giọt nước trôi dạt đó đây, không định hướng.
         Thọ như thủy bào, cảm giác vui khổ của thân và tâm đều bất thường ví như bong bóng nước, thật mong manh.
             Tưởng như ảo ảnh, tri giác nhận biết giống như cảnh giả mà người lữ khách thường thấy trong sa mạc, không có thực.
         Hành như hương giá, tác động thiện ác đều không vững chắc, ví như cây non dễ uốn theo chiều gió, khó kiên định.
        Thức như ảo thuật, tri thức con người lay động biến ảo khôn lường như trò quỷ thật, dễ ngụy biện.
      Ngũ uẩn tạo nên bản ngã con người, hình thành từ nhiều yếu tố bất định nên chính nó cũng không có thực vì luôn biến đổi, chuyển dịch không ngừng, nhưng không phải một cách ngẫu nhiên mà theo luật nhân quả luân hồi.

       Đạo Phật là đạo căn cứ từ hiện thực mà diễn giải, chỉ cho chúng sinh cái đúng cái sai, cái ảo cái thực. Bản thân chúng sinh hiện hữu những gì? Chỉ là ngũ uẩnSắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức – Bỏ năm cái ấy không còn chúng sinh. Chúng sinh dựa vào năm cái đó để chấp mình làm ngã, từ đó mới có khổ đau, vui sướng, giàu sang, giận hờn, ghen tuông, hợp tan… Đức Phật chỉ cho biết đừng mang nặng (cố chấp) sai lầm đó nữa, nên đưa ra ngũ uẩn để chúng sinh thấy ngũ uẩn vô ngã, hơn nữa thân xác cũng chỉ như giọt nước có sinh tử biệt ly, theo lẽ vô thường. Vô thường là không có thực, vậy có nên cố chấp bám níu nó không?

          Bởi vậy Đức Phật nói đến vô thường, vô ngã trong đời người. Từ đây Đức Phật chỉ cho chúng sinh cách đoạn diệt khổ đau bằng cách phá hủy vòng tròn luân hồi nhân quả, bắt đầu từ việc sống thanh tịnh, tuân thủ theo ngũ giới, nối tiếp đến nâng cao tuệ giác dần từng bước trong quá trình giữ vững sự tỉnh thức liên tục bằng con đường thiền quán (soi sáng tâm thức). Đó chính là Đạo Phật (con đường tu hành đúng đắn) dẫn đến cõi Niết bàn cực lạc, hết mọi khổ đau trần thế.

         Sau khi đạt tới cảnh giới giác ngộ hoàn toàn, Đức Phập lòng hân hoan niềm vui chiến thắng bản thân, đã thốt lên những lời đầy cảm hứng sau đây:
                                         Lang thang qua bao kiếp luân hồi,
                                          Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp
                                        ….Ta nay chứng đắc Niết bàn,
                                          Ái tham, dục vọng, hoàn toàn tiêu vong.
                                                                                                      (Kinh Pháp cú)

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

CHÀO MỪNG CÁC CHÁU VỀ THĂM VIỆT NAM

Tối 12/7 là một tối đặc biệt. Một buổi gặp mặt hiếm có nhân dịp một số cháu về dự trại hè theo tour xuyên Việt. Bác Phương Hữu Việt  vừa xuống sân bay đã đi thẳng về LeBon để kịp giao lưu cùng các cháu. Cô Diễm Hồng cũng vậy, lần đầu gặp mặt các cháu, phấn khởi và rất xúc động.

Thật may mắn khi bạn Hồng Vân (Hungary) cùng hai cậu con trai Huy - Hoàng vẫn còn ở Hà nội để kịp giao lưu trước khi đi du lịch biển. Tham dự giao lưu còn có Hồng Nga cùng các cháu vừa từ Czech bay sang. Sẽ thật trọn vẹn và vui hơn gấp bội nếu không thiếu gia đình Quý Dũng và gia đình Hùng Ngọc đang vi vu tắm biển đâu đó ở miền Trung.

Mời các bạn tham gia giao lưu cùng chúng tôi qua vài kiểu ảnh chụp vội, không được nét lắm do thiếu ánh sáng ở LeBon.








Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

MUA NHÀ Ở KHÔNG CẦN QUA CÔNG CHỨNG?

Một đề xuất rủi ro của Bộ Xây dựng.

"Bỏ công chứng, sẽ tạo ra mâu thuẫn và chồng chéo..."

Như đã tin đưa, Bộ Xây dựng mới có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sau khi tin được đăng tải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) về đề xuất này.

* Có ý kiến cho rằng việc bỏ thủ tục công chứng (CC) là vì người dân phàn nàn về CC. Theo bà, có đúng như vậy không?

- Qua kết quả sơ kết 2 năm thi hành Luật CC và đánh giá chung về 3 năm thực hiện Luật cũng như phản ánh chung của nhân dân thì chủ trương xã hội hóa CC đã khắc phục được tình trạng hành chính phiền hà trước đây. Hiện nay, trên cả nước có 379 tổ chức hành nghề CC (Phòng CC, Văn phòng CC) với khoảng 700 CC viên, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Hầu hết các yêu cầu CC đều được giải quyết nhanh chóng, không gây phiền hà cho người dân, người dân không phải chờ đợi….

Nhiều Văn phòng CC đã mua bảo hiểm với mức bảo hiểm rất cao, có nơi mua tới 10 tỷ đồng, nếu có rủi ro xảy ra thì có cơ sở để bồi thường thiệt hại. Nhiều Phòng CC đã đổi mới phương thức phục vụ theo phương châm “an toàn, nhanh chóng, thân thiện”. Bộ Tư pháp đã và đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động CC và nâng cao chất lượng hoạt động CC, chất lượng đội ngũ CC viên…. Nói người dân phàn nàn về CC là không có cơ sở, vì trước đây khi chưa xã hội hóa và các Phòng CC còn làm bản sao thì có tình trạng chờ đợi, phiền hà, thậm chí tiêu cực, nhưng với chủ trương xã hội hóa, những biểu hiện này đã không còn.

* Theo quy định hiện hành, nếu muốn bỏ CC nhà đất, sẽ phải chỉnh sửa nhiều luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự. Như vậy, liệu việc này có khả thi không, thưa bà?

- Trước hết, cần phải xem là đề xuất về bỏ CC đối với các hợp đồng, giao dịch về bất động sản có hợp lý không rồi mới tính đến tính khả thi của việc sửa đổi các Luật có liên quan. Đề xuất này của Bộ Xây dựng xuất phát từ việc kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính theo Đề án 30, với mục đích người dân được giản tiện hơn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực chất của vấn đề. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân chậm được nhận “giấy hồng’, “sổ đỏ” trong thời gian qua không phải là vì thủ tục CC, mà xuất phát từ những vướng mắc trong khâu thụ lý, giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sang tên, trước bạ nhà đất, từ việc trong hồ sơ yêu cầu quá nhiều loại giấy tờ, tài liệu kèm theo….

Mặt khác, đề xuất của Bộ Xây dựng liên quan đến nhiều văn bản và các chủ trương, chính sách của Nhà nước thuộc hệ thống pháp luật về dân sự, kinh tế, đất đai, xây dựng, CC, chứng thực, đăng ký đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm… nên không thể nói một cách đơn giản là bỏ CC đối với các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản hoặc chỉ sửa các điều khoản của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở về vấn đề này mà sẽ còn hàng loạt các vấn đề, quy định, văn bản có liên quan cần phải giải quyết. Chẳng hạn như, các quy định có liên quan về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký bất động sản, chủ trương chuyển giao các hợp đồng giao dịch từ UBND sang tổ chức hành nghề CC thực hiện…. Bên cạnh đó, tổng thể chủ trương, định hướng phát triển hoạt động CC theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã chưa được tính đến một cách toàn diện và đầy đủ. Nếu không cẩn thận, còn tạo ra sự mâu thuẫn, chồng chéo không thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về dân sự và nhà đất, CC, chứng thực….

* Nếu bỏ CC đối với các hợp đồng, giao dịch thì xét dưới góc độ pháp luật và thực tế, liệu có gia tăng rủi ro hay không và ở mức độ nào?

- CC với chức năng bảo đảm tính an toàn, tính xác thực của hợp đồng giao dịch sẽ giúp ngăn chặn những giao dịch bất hợp pháp, giảm thiểu rủi ro pháp lý có thể phát sinh, nhất là trong bối cảnh kiến thức pháp luật của người dân hiện vẫn còn hạn chế và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất là các hợp đồng, giao dịch diễn ra thường xuyên hàng ngày trong cuộc sống xã hội, với giá trị lớn, có nguy cơ xảy ra tranh chấp, nếu bỏ CC đối với hợp đồng nhà đất sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro đối với các bên liên quan, dẫn đến thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch, trật tự kinh tế và an toàn xã hội cũng không được bảo đảm.

CC viên được coi là “thẩm phán phòng ngừa, có nhiệm vụ kiểm tra, làm chứng về mặt thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Nếu bỏ CC, không ai đứng ra “chứng” là hợp đồng, giao dịch đó bảo đảm tính xác thực và hợp pháp, khi có tranh chấp xảy ra, người dân không có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và thậm chí có thể nói là sẽ quay lại thời kỳ mua bán, trao đổi, giao dịch bằng giấy viết tay như ngày xưa khi CC chưa phát triển. Hiện tượng lừa đảo, kiện tụng, vi phạm pháp luật trong các giao dịch, mua bán bất động sản có nguy cơ tăng lên, có thể gây nên những bất ổn trong xã hội và trong thị trường bất động sản.

* Xin cảm ơn bà!

Hoàng Thư (thực hiện)

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

NHỚ KHÓI

Gần chục năm trước, tôi dọn về nhà mới. Nhà xây ở khu đất mới được quy hoạch, có ba mặt giáp ruộng lúa. Lúc ấy cả khu đất rộng mênh mông mới chỉ có 3 ngôi nhà. Ai đến thăm cũng khen, sao không gian ở đây rộng thế.

Mà đúng thật, có cảm giác mình làm nhà ở giữa cánh đồng.

Dọn nhà về đúng vào mùa gặt. Mùi rạ thơm, thấy mình như giã từ phố phường bụi bặm, trở lại với tuổi thơ đi học qua những cánh đồng lúa thơm ngát.

Mấy hôm sau, một buổi chiều đi làm về thấy khói bay quanh nhà dầy đặc. Khói bị ánh chiều tà hoàng hôn nhuộm đỏ, trông như có đám cháy.

Tôi dại dột mở cửa sổ, thế là khói ùa vào nhà. Nó lẩn quất, len vào từng ngóc ngách và không chịu bò ra ngoài.

Cả đêm đó mất ngủ vì mùi khói cướp hết dưỡng khí, không quạt nào xua được hết khói ra ngoài.

... Cứ mỗi năm thì người lại đến xây nhà đông hơn. Nhà mọc lên san sát và hình thành một khu phố mới, tấp nập hơn. Dĩ vãng về cảnh điền viên lại một lần nữa lùi xa.

Những cánh đồng lúa càng bị đẩy ra xa. Và cho đến hôm nay từ nhà tôi nhìn ra, không còn thấy bóng dáng chúng đâu nữa.

Mùa gặt lại đến.

Thảng hoặc cơn gió thu lại mang đến hơi thơm nồng của rạ bị đốt từ những cánh đồng nào đó rất xa.

Thốt nhiên, tôi bỗng nhớ khói...

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT

Sáng 8/7/2011, Trại hè Việt Nam 2011 chính thức diễn ra tại vườn hoa Lý Tự Trọng (Tây Hồ, Hà Nội) với sự tham gia của 150 đại biểu thanh niên, sinh viên kiều bào đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng các màn biễu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa.
Hành trình về nguồn lần này sẽ diễn ra ở 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam (Hội An), Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh niên, sinh viên kiều bào sẽ thăm các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch tại các địa điểm trên và tham dự lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 tại Đồng Nai. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp với mỗi người con đất Việt xa quê và là điều ước với người xa chưa về cội.

Trong số các SV về VN lần này có 4 cháu là con các bạn LHSVN của chúng ta.

Đó là Virág Mai Lan Lê cùng Lê Việt Tùng - con Lê Kiên Cường, Đỗ Nghĩa - con trai Đỗ Hồng Quang và Nguyễn Hồng Ngọc - con Nguyễn Trung Hà, Hồng Nga.


Giới thiệu cùng các bạn vài tấm hình các cháu trong 1 số hoạt động tại HN.



Virág Mai Lan Lê ký tặng các bạn hâm mộ





      
     Đỗ Nghĩa đang chơi bi-a cùng bạn trong đoàn.

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

MÙA HÈ và HƯƠNG SẤU HÀ NỘI

Hà Nội của tôi quá thân quen mà vẫn lạ ở thời khắc chuyển mùa, chỉ có thể trôi trên phố để cảm nhận cung bậc của trời, gió, của sắc hoa. Ngắm vòm lá sấu xanh non mướt, tràn trề sức sống trên thân cây xù xì, tôi ngỡ ngàng đến kinh ngạc! Không tin vào mắt mình, tôi đi dọc đường Phan Đình Phùng.
Vẫn màu xanh non tinh khôi ấy đang tưng bừng vũ khúc lá. Nghe trong gió hè mơn man, vị chua dịu mát thanh thanh của sấu non ẩn trong ngàn lá cười với nắng hạ.
Hà Nội của tôi quá thân quen mà vẫn mới lạ ở những thời khắc chuyển mùa rất Hà Nội, chỉ có thể trôi trên phố để cảm nhận cung bậc của trời, của gió, của sắc lá hoa trong khúc xạ  bảy màu nắng hạ và thầm hát trong lòng.
Những cụ sấu lụ khụ, khoác mấy lớp vỏ xù xì, tróc loang từng mảng trên thân cây, quanh năm chỉ một màu xanh thẫm, như vệ binh gác trên đường Trần Hưng Đạo và Phan Đình Phùng. Vậy mà chỉ sau mấy trận mưa hạ, các cụ hồi xuân, tươi tắn, nõn nà.
Những ngọn sấu nối nhau, xum xuê che rợp hai bên hè phố, có cảm giác đôi dòng sông xanh xuôi chảy trên không trung suốt từ đầu phố giáp sông Hồng đến cuối phố giáp cửa Ga, thành bức tranh tĩnh vật diệu kỳ của thiên nhiên, có lẽ  không cây cọ nào có thể tái hiện được cái sắc xanh sống động ấy trong  thời khắc cuối chiều hè có vị gió mang hơi thở của lá sấu xanh trên trời, lá sấu vàng dưới hè, quyện cái lạnh se se lạ lùng đến thế!


Quả Sấu xanh ngon.

Tháng 5, thời tiết Hà Nội biến tấu đỏng đảnh lạ lùng.! Hôm trước, gió Tây quạt rát mặt, hôm sau, gió lành lạnh như cuối xuân, sang tháng 6 đã có sấu non. Các bà, các chị nóng lòng chờ sấu đầu mùa đánh nước rau muống luộc, mà nhất định phải là rau xơ mới thả dưới ao hồ, nước luộc trong veo, vị sấu chua dôn dốt, hoà với vị nước rau man mát, chan cơm ăn với cà pháo Hoàng Mai giòn tan,  mới thật là “đặc sản Hà Nội”.
Lại nhớ mấy hôm ở xứ sở hoa ban,những búp hoa của các noọng thon thả rót rượu lá, cơm nếp nương nhuộm lá rừng tím lịm, dẻo thơm, say hương rừng- noọng xinh tươi trong bộ áo cóm cúc bạc lưng ong... vậy rồi chỉ đến bữa thứ ba ngốt ngát rượu,  hai chị em tôi đã thốt lên “giá mà trưa nay có nước canh rau muống luộc dầm sấu nhỉ! có thêm món sấu non ngâm nước mắm càng tuyệt”.


Sấu ngâm nước mắm.
Có lẽ, sấu non ngâm nước mắm ngon cũng nên xếp là nét riêng trong văn hoá ẩm thực của Hà Nội chăng? Quả sấu chỉ nhỉnh như đầu ngón tay trỏ, rửa qua nước nóng già, để cho ráo nước, bỏ vào lọ thuỷ tinh ngâm cho đến khi sấu héo đi mới được mang ra ăn.
Vị sấu ngấm vị mắm, ngon-giòn -đậm đà, chao ôi là ngon. Hè nóng nực, có cơm dẻo thơm ăn với sấu ngâm mắm thay cà pháo Hoàng Mai, với đậu phụ Mơ mềm mà bùi, rán vừa độ lửa,có lẽ ngưòi gảnh ăn cũng thơm miệng làm hai lưng ngon lành. Thời buổi cơm Tây, cơm Tàu, thức gì cũng sẵn, vẫn là để tiếp khách, các bà nội trợ khéo tay, không ít người thích nấu theo khẩu vị cơm ta với sản vật Hà Nội, giản dị mà tinh tế, chiều chồng.

Trước mắt tôi, chiều tím đang dâng trong ráng hoàng hôn… Trong muôn âm thanh ồn ã của phố phường, tôi vẫn nhận ra tiếng xào xạc của lá sấu rụng trải thảm vàng sậm quanh gốc cây  toả hương dìu dịu thanh thanh. Hít căng lồng ngực hương sấu, ước mình bé như thuở trèo me trèo sấu xưa... để khóc, cười, hồn nhiên cùng trang giấy học trò. Và cảm nhận sâu sắc hơn  hương sắc Hà Nội phố  trong đời cây- hương cây, từ khi nhà thơ Chính Hữu viết mái buồn nghe sấu rụng thế đến nay, đã bao sự đổi thay mà cây vẫn xanh trên phố cũ...

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

CHÀO MỪNG BẠN HÙNG XOĂN VỀ THĂM VN

        Bạn HÙNG XOĂN (bìa phải) hiện sống ở Mat cùng gia đình.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

NHIẾP ẢNH, NIỀM ĐAM MÊ

Trân trọng giới thiệu cùng các bạn bài viết của cháu TRẦN THẠCH THẢO, con gái TRẦN DUY PHƯƠNG, nhân có cuộc thi tài năng trẻ trên trang Vietabroader talent, đồng thời cũng là để chia sẻ với các bậc làm cha mẹ khi con cái chúng mình đã lớn khôn, đã trưởng thành, đã biết tự tin trong cuộc sống.


Mỗi người có một sở thích, ước mơ và hoài bão khác nhau, nhưng với tôi, nhiếp ảnh là niềm đam mê lớn.
   
Tôi yêu những khoảnh khắc diễn ra xung quanh cuộc sống, từ điệu cười khanh khách của cô em gái đến ánh mắt trìu mến, hiền từ của bà ngoại; từ sự uy nghiêm, tĩnh lặng những ngôi chùa cổ kính đến cảnh phố xá nhộn nhịp ánh đèn vàng; từ màu xanh nhẹ nhàng của ngọn cỏ đến ánh đỏ rực rỡ những ngọn lửa nhảy múa,... Tất cả những điều đó tạo nên tình yêu cuộc sống, niềm vui và sự lạc quan cho tôi, giữa cuộc sống hiện đại phức tạp.

Tôi thích chụp ảnh đi chơi cùng gia đình, để đến khi về nhà lại giấu thật kĩ những tấm hình khi hai chị em chạy đuổi nhau trên những đồi cát mất cả dép; khi mẹ đang mặc cả hòn đá Thạch Anh – loại đá ghép từ tên hai chị em tôi, Thạch Thảo và Minh Anh; hay cảnh bố ngồi vững chãi trên mép cửa sổ căn nhà hoang đổ nát trên núi, nở nụ cười mãn nguyện;... Và rất lâu sau, khi xem lại những tấm ảnh cũ, cả nhà lại có dịp cười chảy nước mắt.

Bố tôi là nhà báo, vì vậy, tôi được chạm tay vào chiếc máy ảnh chuyên nghiệp từ rất sớm. Bức ảnh đầu tiên tôi chụp là hình hai bố mẹ đang cười rất hạnh phúc. Nhân vật chính không ở giữa ảnh mà được đặt lọt thỏm góc bên trái tấm hình. Nhưng đối với một đứa trẻ học mẫu giáo cầm chiếc máy chụp còn chưa vững, vậy là quá tuyệt, như lời mẹ tôi nói. Và mẹ chính là người cho tôi biết tôi đã thừa hưởng niềm đam mê và năng khiếu chụp ảnh từ bố tôi.

Những bức hình tôi chụp, tôi chỉ giữ cho gia đình xem, chẳng bao giờ khoe ra ngoài. Tôi thấy những tấm ảnh tôi chụp chả thấm vào đâu so với của người khác. Một lần, trường tôi tuyển ban thiết kế cho hội trại và tôi được chọn làm thợ ảnh cùng hai bạn nữa. Trong thời gian làm việc, tôi luôn thấy mình thua kém hai bạn còn lại, nhất là về kĩ năng lấy cảnh, chọn ánh sáng. Tôi thấy mình thật kém cỏi. Tôi tự hỏi bản thân, liệu mình có thật sự giỏi trong lĩnh vực này?

Và để tìm câu trả lời, tôi quyết định tham gia vào cuộc thi tài năng Vietabroader talent. Vậy bạn có thể giúp tôi trả lời câu hỏi ấy không? Hãy xem ảnh, và nếu bạn thấy thích những tấm hình tôi chụp, hãy vote like nhé, vì chính lượng vote của bạn sẽ giúp tôi tự tin hơn về bản thân và có động lực theo đuổi đam mê. Cảm ơn những người đã, đang và sẽ giúp tôi tự tin hơn vào năng lực của mình. Và tôi cảm ơn những người dành thời gian đọc hết bài viết của tôi. Tôi cũng chúc các bạn tìm được niềm đam mê riêng mình và lúc ấy, bạn sẽ được mọi người ủng hộ hết mình. Đừng quên, tôi cũng sẽ ủng hộ bạn, bạn nhé

PS: Các bạn có thể vào đường link sau để xem tác phẩm dự thi của tôi:

http://vietabroader.org/talent/vietabroader-talents/my-naughty-sister-x
http://vietabroader.org/talent/vietabroader-talents/a-fiery-steed
http://vietabroader.org/talent/vietabroader-talents/at-paradise-gate
http://vietabroader.org/talent/vietabroader-talents/the-glorious-nguyen-dynasty

Đây là 4 tác phẩm dự thi của tôi, và nếu bạn cảm nhận được vẻ đẹp trong những tấm hình đó, đừng quên vote cho tôi nhé :) Bạn có thể làm theo những bước sau:

 - Tạo tài khoản ở phần “ create an account” cột bên phải màn hình.

 - Sau khi tạo tài khoản, bạn check mail và sẽ thấy thư của Vietabroader talent cùng đường link để kích hoạt tài khoản. Bạn, chỉ đơn giản, click vào link đó nhé.

 - Bạn trở lại web và login.

 - Trên mỗi tác phẩm sẽ có phần “ 1 vote” và để vote, bạn click vào số 1 nhé

- Khi bạn vote thành công, sẽ có dòng chữ “ Thanks for voting”

 Cảm phiền các bạn vì quy trình dài dòng này, nhưng tôi tin, không vì thế bạn bỏ mặc tôi.

 Chân thành cảm ơn các bạn đã ủng hộ bản thân tôi